fbpx

Những vấn đề xoay quanh sự kiện FTX phá sản đầy chấn động

Thị trường tiền điện tử vốn được biết là một sân chơi mới với tỷ lệ rủi ro cao. Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng một trong những sàn giao dịch lớn nhất thế giới, FTX lại có thể sụp đổ một cách nhanh chóng. Thời điểm tuyên bố FTX phá sản đã gây chấn động mạnh mẽ cho toàn ngành, gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng triệu nhà đầu tư. Đồng thời cũng đặt thêm một dấu chấm hỏi lớn cho thị trường tài chính, crypto về vấn đề an toàn và minh bạch trong tương lai?

Sam Bankman-Fried từng là “người hùng” hóa thành tội đồ trong khi FTX đang nỗ lực bán tài sản để thanh toán nợ

Trong thời kỳ đầu của cuộc cách mạng tiền điện tử, một cơ hội kinh doanh độc đáo đã được phát hiện bởi Sam Bankman-Fried (SBF) – một cựu nhân viên tại Jane Street Capital. Vào năm 2017, khi theo dõi trang web CoinMarketCap.com, SBF nhận thấy sự khác biệt đáng kể của giá trị đồng tiền Bitcoin trên nhiều sàn giao dịch khác nhau. Từ đó, ý tưởng mua Bitcoin với giá thấp và bán với giá cao thông qua việc chuyển đổi sàn giao dịch đã được ra đời.

Trước đó, hoạt động kinh doanh tận dụng chênh lệch giá như vậy đã diễn ra mạnh mẽ tại Hàn Quốc – nơi giá Bitcoin được định giá cao hơn so với phần còn lại của thế giới. Chênh lệch này được gọi một cách hình tượng là “Kimchi Premium”, ẩn dụ về món bắp cải chua ngâm truyền thống cao cấp của Hàn.

Chỉ sau một tháng nghiên cứu thị trường, SBF đã thành lập công ty của riêng mình mang tên Alameda Research. Tại thời điểm đỉnh cao, công ty ghi nhận lợi nhuận lên tới 1 triệu USD mỗi ngày và được các tổ chức tài chính định giá tài sản lên tới 40 tỷ USD. 

Thành công ban đầu của Alameda Research trong việc khai thác chênh lệch giá Bitcoin giữa các sàn giao dịch đã giúp Sam Bankman-Fried được cộng đồng dành nhiều sự tin tưởng. Loại hình giao dịch này không hề đơn giản trên thị trường tiền số non trẻ thời bấy giờ, đòi hỏi phải xây dựng hệ thống nền tảng, kết nối và hạ tầng phức tạp – lĩnh vực mà Alameda đã thể hiện tài năng của mình.

Nhờ nền móng vững chắc ấy, đế chế kinh tế của Bankman-Fried nhanh chóng bành trướng. Thành công của Alameda thúc đẩy sự ra đời của sàn giao dịch tiền số FTX vào mùa xuân 2019, thu hút dòng vốn đầu tư mạo hiểm khổng lồ 2 tỷ USD. Gương mặt của Bankman-Fried xuất hiện khắp nơi trên áp phích quảng cáo, biểu tượng FTX chi phối từ đường đua F1 đến những sân khấu bóng rổ nổi tiếng tại Miami.

Tại thời điểm nắm giữ khối tài sản hàng tỷ đô, Bankman-Fried tự tin khẳng định một ngày nào đó sẽ mua lại ngân hàng đầu tư lớn Goldman Sachs, trở thành nhân vật quyền lực tại Washington. Tuy nhiên, thực tế đáng buồn là tất cả chỉ là tưởng tượng viển vông.

Trong năm nay khi giá tiền số giảm mạnh, ngay lúc này, chắc chắn SBF cũng chưa ngờ đến đây là một trong những nhân tố góp phần cho sự kiện FTX sụp đổ sau này. Dựa theo dữ liệu từ các con số, cú sụt giảm đã khiến hoạt động kinh doanh của công ty bị tổn hại nghiêm trọng, cuối cùng dẫn đến thảm họa không thể cứu vãn vài tháng sau đó. 

Sam Bankman - Fried làm giàu nhanh chóng nhờ biết cách nắm bắt chênh lệch giá trị đồng tiền số
Sam Bankman – Fried làm giàu nhanh chóng nhờ biết cách nắm bắt chênh lệch giá trị đồng tiền số

Trong nỗ lực duy trì hoạt động kinh doanh, Alameda Research đã vay nợ nhiều để đầu tư vào các công ty tài sản số đang gặp khó khăn. Thậm chí, họ còn trực tiếp rút tiền gửi của khách hàng tại sàn giao dịch FTX để trả nợ. Hành động phi pháp này cuối cùng đã bị phơi bày sau một cuộc đối đầu gay gắt trên Twitter giữa Bankman-Fried và CEO của đối thủ cạnh tranh Binance.

Không thể cứu vãn tình thế, Alameda, FTX và chuỗi công ty con thuộc quyền điều hành của Bankman-Fried buộc phải nộp đơn hỗ trợ bảo hộ phá sản tại bang Delaware. Chính Bankman-Fried cũng phải từ chức sau khi thấy giá trị tài sản sụt giảm chỉ trong 1 ngày.

Từ vị thế “anh hùng” của làng tiền điện tử, Bankman-Fried nhanh chóng trở thành “tội đồ” của thị trường tiền điện tử. Hiện ông đang bị tạm giam tại Trung tâm Giam giữ Brooklyn trong lúc chờ xét xử về 7 tội danh hình sự của mình. 

Khi kết hợp thông tin từ nhiều nguồn tin khác nhau, nhà đầu tư sẽ thấy được một thực trạng đáng buồn về một sàn giao dịch phi pháp, luôn che đậy “mặt tối” của mình bằng nhiều thủ đoạn khác nhau.

Sự kiện sập sàn FTX và “cú ngã ngựa” của Bankman-Fried xảy ra vào năm 2022 với làn sóng khủng hoảng thanh khoản. Điều này đã khiến nhiều “ông lớn” phải đầu hàng. Tiêu biểu nhất là vụ sụp đổ hoàn toàn của dự án stablecoin TerraUSD và đồng tiền kỹ thuật số LUNA gắn liền, khiến thị trường mất đi khoảng 60 tỷ USD.

Ngoài ra, sự sụp đổ của Three Arrows Capital (3AC) – một “gã khổng lồ” trong lĩnh vực đầu tư tiền số cũng đánh dấu một bước ngoặt đen tối cho thị trường tiền điện tử cùng năm 2022. Vụ việc này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến 3AC và các nhà đầu tư của họ mà còn kéo theo hệ thống “đòn domino” sụp đổ, khiến nhiều tổ chức môi giới và cho vay tiền số khác cũng phải ôm khoản nợ không nhỏ. 

Vấn đề càng trở nên tồi tệ hơn bởi sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các tổ chức trong thị trường. 3AC vay tiền từ nhiều nhà môi giới và cho vay tiền số khác, và khi họ vỡ nợ, những tổ chức như Voyager Digital và Celsius cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Thực tế đã chứng minh rằng mô hình này chi đem lại sự hiệu quả khi giá trị đồng tiền số đều tăng. Khi thị trường tiền điện tử đảo chiều mạnh mẽ vào năm 2022, giá trị của Bitcoin và Ether giảm hơn 50%.

Đòn bẩy phản ứng mạnh mẽ trong thị trường crypto, khiến nhiều nhà đầu tư đứng trước bờ vực phá sản
Đòn bẩy phản ứng mạnh mẽ trong thị trường crypto, khiến nhiều nhà đầu tư đứng trước bờ vực phá sản

Sử dụng đòn bẩy tài chính là nhân tố khiến nhiều đại gia tài chính lâm vào thảm cảnh, bao gồm cả các tổ chức truyền thống như Lehman Brothers, Bear Stearns, Long-Term Capital Management và các “ông lớn” tiền điện tử gần đây như Three Arrows Capital hay FTX. “Đòn bẩy chính là nguyên nhân gốc rễ đằng sau của những cú nổ lớn tại các định chế tài chính,” chuyên gia Hart Lambur nhận định.

Khi thị trường tiền số lao dốc vào năm 2022, tình hình tài chính của Alameda Research cũng xấu đi trầm trọng. Nhiều nhà đầu tư bắt đầu yêu cầu công ty thanh toán các khoản nợ, song rõ ràng Alameda không thể phản hồi yêu cầu này.

Trong tuyệt vọng, Alameda buộc phải quay sang nguồn tiền gửi của khách hàng trên sàn giao dịch FTX. Bankman-Fried đã tiết lộ sự thật đau lòng này qua một cuộc phỏng vấn, mặc dù không đưa ra con số cụ thể.

Theo báo cáo của CNBC, việc FTX trái phép sử dụng tiền của khách hàng đi ngược lại các điều khoản và điều kiện mà họ đã đề ra. Với các tổ chức tài chính tại trung tâm tài chính Phố Wall, hành động này bị coi là vi phạm nghiêm trọng luật chứng khoán Mỹ.

“Mối liên hệ giữa FTX và Alameda thực sự quá mức phức tạp và rối ren,” chuyên gia Nic Carter từ quỹ đầu tư Castle Island Venture nhận định trên CNBC. “Điều này không những thiếu tính chuyên nghiệp mà còn vi phạm những nguyên tắc và thông lệ được thị trường công nhận.”

Thông thường, hình thức phổ biến trong lĩnh vực tiền điện tử là việc các công ty phát hành nhiều loại token hoặc đồng tiền mã hóa để thu hút người dùng. Mặc dù giá trị thực tế của chúng chỉ đơn thuần là đối tượng đầu cơ với hy vọng tăng giá.

Điểm đáng chú ý là FTX đã thực hiện hành vi bòn rút tài sản của khách hàng một cách trắng trợn. Số tiền này được sử dụng để làm tài sản thế chấp cho các khoản vay, nhằm phục vụ cho những tham vọng đầu tư mạo hiểm của Bankman-Fried.

Để che đậy hành vi lừa đảo, Bankman-Fried đã sử dụng các thủ đoạn tinh vi, bao gồm việc phát hành một loại token mới, che đậy sự thiếu hụt tài sản.

Trong khi đó, trên sân khấu, Bankman-Fried vẫn diễn thuyết như một doanh nhân trẻ tài năng, tích cực tham gia các hội nghị và xây dựng hình ảnh một “nhà lãnh đạo” trong lĩnh vực tiền điện tử. Danh tiếng này không thể không kể đến sự đóng góp của Michael Kives, người đã giới thiệu Bankman-Fried đến với giới truyền thông và các nhà đầu tư tiềm năng.

Bankman-Fried nhận được sự giúp đỡ trực tiếp từ những người bên cạnh, khiến ông ngày càng sa lầy trong các hoạt động đầu tư phi pháp
Bankman-Fried nhận được sự giúp đỡ trực tiếp từ những người bên cạnh, khiến ông ngày càng sa lầy trong các hoạt động đầu tư phi pháp

Với sự giúp đỡ của Michael Kives – nhà đầu tư nổi tiếng trong làng giải trí Hollywood và Bryan Baum – đối tác kinh doanh của ông, Sam Bankman-Fried đã xây dựng được mạng lưới quan hệ rộng khắp với nhiều ngôi sao đình đám như Orlando Bloom, ca sĩ Katy Perry, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, diễn viên Leonardo DiCaprio cũng như thống đốc của Saudi Arabia. Đây được coi là mối liên minh mang lại lợi ích cùng có lợi cho các bên.

Theo tài liệu tòa án, Bankman-Fried đã rót tới 700 triệu USD vào công ty đầu tư mà Kives đồng sáng lập và là gương mặt đại diện. Kives và Baum mỗi người nhận được khoản phí 125 triệu USD trong lần hợp tác này.

Kives và Baum đóng vai trò như những nhân vật then chốt trong mạng lưới bí mật các trung gian, chuyên giới thiệu và mở rộng mối quan hệ với những nhân vật nổi tiếng. Để họ tham gia vào ngành công nghiệp tiền mã hóa đang phát triển rầm rộ lúc bấy giờ. Trước khi sàn FTX sập, sự hiện diện và lời tán dương của các ngôi sao điện ảnh, vận động viên thể thao, doanh nhân cùng các chính khách quyền lực đã giúp làn sóng tiền điện tử trở nên đáng giá hơn bao giờ hết.

Nhiều người nổi tiếng lên tiếng về sự uy tín của FTX, khiến cộng đồng xung quanh đặc biệt tin tưởng đầu tư
Nhiều người nổi tiếng lên tiếng về sự uy tín của FTX, khiến cộng đồng xung quanh đặc biệt tin tưởng đầu tư

Chỉ sau khi Bankman-Fried vướng vào cuộc tranh luận mạng xã hội với Binance – đối thủ cạnh tranh lớn nhất, mọi chuyện mới bắt đầu được đưa ra ánh sáng.

Năm 2019, thị trường tiền điện tử đã có sự hợp tác giữa Binance và FTX. Binance rót vốn đầu tư chiến lược vào FTX, mua lại một lượng lớn FTX Token (FTT) với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của FTX. Ban đầu, mối quan hệ này mang lại lợi ích cho cả hai bên. Tuy nhiên, chỉ sau vài năm ngắn ngủi, mối quan hệ này bỗng “đổ vỡ” một cách khó hiểu. Vào mùa hè năm 2022, Sam Bankman-Fried (SBF), nhà sáng lập FTX, bất ngờ “quay lưng” Binance, công khai chỉ trích Binance thao túng thị trường và thiếu minh bạch. Ông thậm chí còn kêu gọi các cơ quan quản lý vào cuộc giám sát Binance.

Ngày 2/11/2022, CoinDesk tiết lộ bảng cân đối kế toán của Alameda Research, quỹ đầu tư có mối liên hệ mật thiết với sàn giao dịch FTX. Bảng cân đối này cho thấy một sự thật rằng: Alameda nắm giữ lượng lớn tài sản trong token FTT của FTX, đồng tiền số hóa vốn được đánh giá là kém thanh khoản.

Ngay lập tức, những nghi ngờ về khả năng thanh toán của Alameda và tình hình tài chính của FTX lan rộng. Các nhà đầu tư hoảng loạn, liên tục rút tiền khỏi FTX. Theo lời CEO Sam Bankman-Fried, chỉ trong 5 ngày, sàn giao dịch đã ghi nhận lượng tiền rút ra lên đến hàng chục triệu USD mỗi ngày, khiến FTX tổn thất tổng cộng 5 tỷ USD.

Tin đồn luôn là yếu tố tác động đến thị trường, thị trường kỹ thuật số cũng không ngoại lệ
Tin đồn luôn là yếu tố tác động đến thị trường, thị trường kỹ thuật số cũng không ngoại lệ

Thị trường tiền số biến động khôn lường, nơi những tin tức và tin đồn có thể lan truyền nhanh chóng và tác động mạnh mẽ đến tâm lý nhà đầu tư. Theo Fabian Astic, người có thành tựu cao trong bộ phận kỹ thuật số Moody, nói rằng: Tốc độ phản ứng của thị trường tiền số trước những biến động này nhanh hơn nhiều lần so với thị trường truyền thống thông thường.

Ngày 11/11/2022, FTX và Alameda đệ đơn phá sản, đánh dấu sự sụp đổ của một đế chế tiền số từng được kỳ vọng sẽ “nuốt chửng” hệ thống tài chính truyền thống. Sam Bankman-Fried, nhà sáng lập FTX, từ “thiên tài” tiền điện tử trở thành kẻ bị cáo buộc phạm 7 tội danh tài chính, bao gồm lừa đảo và rửa tiền, có nguy cơ lãnh án với số năm tù giam lên đến 110 năm.

Phán quyết cuối cùng tòa án dự kiến xảy ra vào ngày 28/3/2024, tuy nhiên Bankman-Fried tuyên bố bản thân vô tội và khẳng định sẽ kháng cáo với bất kỳ bản án nào.

Song song với diễn biến pháp lý, FTX đang nỗ lực bán tháo nốt tài sản số để huy động tiền mặt và hoàn lại cho khách hàng. Theo Bloomberg, bốn chi nhánh lớn của FTX, gồm FTX Trading và Alameda Research, đã nhận được lượng tiền mặt dự trữ lên 4,4 tỷ USD vào cuối năm 2023.

Mặc dù nỗ lực như vậy, FTX vẫn chưa thể đảm bảo hoàn trả đầy đủ cho tất cả khách hàng. Theo tuyên bố chính thức của sàn giao dịch vào ngày 27/12, việc sử dụng giá trị tiền số tại thời điểm FTX phá sản được xem là giải pháp khả thi duy nhất để bắt đầu quá trình thanh toán cho khách hàng.

Như vậy, quý độc giả đã có được cho mình một câu trả lời xác đáng với câu hỏi tại sao sàn FTX sập? Tiếp theo đây, hãy cùng TraderForex xem thử phán quyết đối với người thao túng thị trường tài chính một cách phi pháp – SBF như thế nào ?

Người tạo ra FTX phải làm gì để giải quyết hậu quả để lại khi FTX phá sản?

Ngày 28/3/2024, hơn một năm sau khi đế chế tiền điện tử FTX phá sản, Sam Bankman-Fried (SBF) đã chính thức nhận án tù 25 năm vì tội lừa đảo. Phán quyết này đánh dấu một chương mới trong vụ bê bối tài chính lớn nhất lịch sử tiền điện tử, đồng thời giáng đòn mạnh vào niềm tin vốn đã mong manh của các nhà đầu tư.

SBF đã thụ án 25 năm tù với 7 tội danh nghiêm trọng khi lạm dụng tài chính
SBF đã thụ án 25 năm tù với 7 tội danh nghiêm trọng khi lạm dụng tài chính

Vụ phá sản của FTX vào tháng 11/2022 tại bang Delaware được ví như một “cơn địa chấn” đối với thị trường tiền điện tử. Sàn giao dịch từng được định giá 32 tỷ USD này đã bỗng chốc sụp đổ, để lại khoản nợ khổng lồ 3,1 tỷ USD cho 50 chủ nợ lớn nhất, ảnh hưởng đến hơn 1 triệu nhà đầu tư trên thế giới. Ước tính tổng thiệt hại từ vụ bê bối này lên đến hàng tỷ USD.

Theo CNN, phán quyết này không gây bất ngờ bởi SBF đã bị buộc tội 7 tội danh liên quan đến cáo buộc tài chính vào tháng 11/2023. Thẩm phán Lewis Kaplan, người đưa ra phán quyết cuối cùng, cho biết ông đã xem xét và phân tích trên nhiều khía cạnh. Trong đó có mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội và khả năng tái phạm cao của SBF trong tương lai. Trong đó, nguy cơ tái phạm cao là một trong những lý do chính khiến SBF phải nhận mức án nặng nề. Thẩm phán Kaplan nhận định rằng SBF có thể sẽ gây ra những tác động tài chính tiêu cực hơn trong tương lai.

Sau khi Sam Bankman-Fried (SBF) nhận án tù 25 năm vì tội lừa đảo, nhiều câu hỏi đã được đặt ra. Bởi mức án này thấp hơn rất nhiều so với số năm thụ án mà công tố viên đã đưa ra (40-50 năm tù).

Vậy, SBF có cơ hội được giảm án hay không? Theo luật pháp Mỹ, chưa có một quy định nào về việc giảm hạn hoặc ân xá cho các vụ án liên bang. Tuy nhiên, nếu được đánh giá cải tạo tốt, tù nhân sẽ được giảm trừ thời gian thụ án.

Ông Mitchell Epner, một công tố viên người Mỹ đã dự đoán rằng SBF có thể chỉ chấp hành án khoảng 12,5 năm tù nếu nhận được sự công nhận từ các quản giáo phòng giam. Tuy nhiên, đây chỉ là phỏng đoán và không có gì đảm bảo điều đó sẽ xảy ra.

Tại phiên tòa xét xử ngày 28/3, trước khi nhận bản án 25 năm tù vì tội lừa đảo, Sam Bankman-Fried (SBF) đã có cơ hội lên tiếng và thừa nhận những sai lầm của mình trong thời gian điều hành FTX. Tuy nhiên, thay vì thừa nhận trách nhiệm hoàn toàn cho sự sụp đổ của đế chế tiền điện tử này, SBF lại dành phần lớn thời gian để ca ngợi những cộng sự cũ. Những cái tên được anh nhắc tới như cộng sự đồng sáng lập FTX Gary Wang và người yêu trước đây – Caroline Ellison.

“Chúng tôi đã có với nhau những khoảnh khắc tốt đẹp và động viên nhau xây dựng mọi thứ. Và tôi đã hủy hoại tất cả. Suy nghĩ này là vết thương không lành, nhắc nhở tôi mỗi ngày”, SBF bộc bạch trước vành móng ngựa và gửi lời xin lỗi tới cộng đồng khách hàng của FTX.

Lời phát biểu của SBF nhận nhiều chỉ trích từ dư luận. Nhiều người cho rằng anh ta đang cố gắng trốn tránh trách nhiệm và đổ lỗi cho những người khác. Thay vì thể hiện sự hối hận chân thành, SBF lại tập trung vào những thành tựu trong quá khứ và tô vẽ hình ảnh bản thân như một nạn nhân của hoàn cảnh.

Không những phải thụ lý vụ án, Sam Bankman-Fried (SBF) còn phải đối mặt với một hình phạt nặng nề khác. Đó là bồi thường thiệt hại 11 tỷ USD. Theo phán quyết của Thẩm phán Lewis Kaplan, SBF sẽ phải nộp số tiền khổng lồ này để khắc phục hậu quả cho những thiệt hại mà anh ta đã gây ra cho khách hàng. Quá trình bồi thường sẽ được thực hiện theo thời gian, bao gồm việc tịch thu bất động sản, du thuyền và các tài sản khác được mua từ tiền phi pháp của SBF.

Cựu công tố viên Mitchell Epner nhận định: “Số tiền bồi thường này là một hình phạt nghiêm minh cho thấy sự công bằng của luật pháp nước Mỹ, nó sẽ là một con số mà SBF phải gồng gánh cả đời sau khi ra tù”.

Thẩm phán Lewis Kaplan đã phản bác luận điểm của SBF, cho rằng phần lớn nhà đầu tư tại FTX sẽ lấy lại được tiền của họ sau khi công ty tuyên bố phá sản. SBF khẳng định rằng việc xử lý tài sản trong quá trình phá sản sẽ đảm bảo khách hàng được “hoàn trả đầy đủ”.

Tuy nhiên, Thẩm phán Kaplan đã thẳng thắn cho thấy lỗ hổng của quan điểm này, nhấn mạnh rằng: “Sự việc nhà đầu tư FTX được đảm bảo nhận tiền hoàn 100% mới chỉ là suy đoán theo quan điểm cá nhân”

Thực tế, FTX hiện đang trong giai đoạn tái cơ cấu đầy khó khăn dưới sự quản lý của chuyên gia giám sát John J. Ray III. Theo ông Ray, công ty mà SBF để lại “không đáp ứng được khả năng thanh toán cũng như khả năng an toàn”. Vì vậy mà việc thu hồi bất kỳ tài sản nào cho các nhà đầu tư trở nên vô cùng khó khăn. Nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ tái cơ cấu trong hơn 1 năm qua, một số tài sản đã được thu hồi, mang lại hy vọng cho việc bồi thường cho những người bị ảnh hưởng bởi vụ bê bối.

Như vậy, không có một phép màu nào cho sàn FTX trên thị trường đồng tiền số. Vì vậy mà khi có thắc mắc sàn FTX giờ ra sao, chúng ta chỉ có thể nói đây là một câu chuyện buồn vì tổ chức tài chính này đã chính thức phá sản. Sự kiện này chính là lời nhắc nhở gián tiếp về việc lựa chọn cẩn trọng dự án đầu tư. Ngoài ra, việc FTX phá sản cũng đưa ra bài toán tối ưu hơn cho giới giám sát thị trường tiền điện tử. Chỉ như vậy, niềm tin của nhà đầu tư mới có thể được khôi phục và thị trường crypto mới có thể phát triển nhanh chóng hơn.

Xem thêm:

FXCE có uy tín không? Cập nhật thông tin mới nhất từ sàn FXCE

Tác động của sự sụp đổ của Silicon Valley Bank đối với thị trường?

5/5 - (1 bình chọn)

Bài viết liên quan:

Trả lời